Chi tiết bài viết

Trẻ uống nhầm hóa chất: Xử trí sao cho đúng?

(NLĐO)- Con tôi đang ở tuổi cái gì cũng ăn thử, uống thử. Hôm rồi cháu uống nhầm xà phòng, cả nhà loạn lên vì người thì nghe hướng dẫn là phải làm nôn, người thì bảo uống nước, nước chanh…

 

Rất may lần đó nước xà phòng trên bàn chỉ là sữa tắm tôi pha loãng để lau lại bàn trang điểm nên cháu đã có thể xuất viện trong ngày. Qua tai nạn này, tôi mới phát hiện: có quá nhiều "bí kíp" trị uống lầm, mỗi cái một kiểu, có khi còn đối chọi nhau. 

Xin bác sĩ cho lời khuyên về cách xử lý đúng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM):

Đúng như bạn nói, uống nhầm hóa chất là một dạng tai nạn khá phổ biến ở trẻ em và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thường là tùy vào loại chất mà các cháu bé uống lầm.

Nếu tình huống đó xảy ra, người lớn nên nhanh chóng quan sát thứ cháu uống nhầm là chất gì. Thông tin này rất quan trọng trong việc xử lý ban đầu cũng như nên được cung cấp cho bác sĩ khi bé nhập viện.

Nếu chất uống nhầm là hóa chất không bay hơi, khi phát hiện cháu sặc, hãy giúp cháu nôn ra. Đơn giản nhất là dùng một miếng vải nhỏ bọc đầu ngón tay, đặt nhẹ vào nửa bên trong của lưỡi, sẽ kích thích cho bé nôn.

Sau khi nôn ra, hãy nhanh chóng đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất để xử lý.

Tuy nhiên, nếu bé uống phải chất bay hơi, ví dụ như nước rửa sơn móng tay của mẹ, xăng dầu… thì việc nôn ra có thể khiến hơi của hóa chất tác động xấu đến bé hơn. Tình huống này thì phụ huynh phải đưa bé vào viện cấp cứu gấp, không nên mất thời gian tìm cách xử lý vì vào viện mới có đủ những phương tiện cần thiết để giúp bé.

Các biện pháp chị kể như uống nhiều nước, nước chanh thường là vô thưởng vô phạt, nhưng tốt nhất là không nên áp dụng. Bé đang sặc, và có thể đau đớn do miệng, họng bị tổn thương, bắt uống này nọ có khi còn làm xấu đi tình hình.

Trong số các trẻ uống nhầm hóa chất chúng tôi thường gặp, rất phổ biến tình trạng bé uống phải chất đựng trong các chai nhựa có màu, ví dụ như chai trà, nước ngọt. Vì thế, tuyệt đối không nên bỏ hóa chất trong những chai này, vì nhựa màu làm chúng ta không thể quan sát được trên chai có gì, hơn nữa bỏ hóa chất vào chai đựng nước uống có khi người lớn cũng lầm, đừng nói chi trẻ nhỏ. Hóa chất phải được cất ở nơi trẻ con không thể lấy được.