Chi tiết bài viết

Hậu quả nếu chiến tranh Mỹ - Iran bùng phát

"Iran rất thù địch và thực sự là những kẻ gây hấn hàng đầu. Tôi nghĩ họ sẽ phạm sai lầm rất lớn nếu định làm gì đó chống lại Mỹ. Mọi hành động như vậy sẽ bị đáp trả bằng vũ lực mạnh, chúng ta không có lựa chọn nào khác", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 21/5.

Truyền thông Mỹ trước đó cho biết chính quyền Trump dường như đang tìm cách thỏa mãn các điều kiện của đạo luật Cho phép sử dụng sức mạnh quân sự (AUMF) có hiệu lực từ năm 2001, nhằm chuẩn bị kịch bản đánh phủ đầu Iran mà không cần thông qua quốc hội.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Washington sẽ không sẵn lòng theo đuổi một cuộc phiêu lưu quân sự mới tại Trung Đông. Cuộc chiến giữa Mỹ và Iran sẽ để lại hậu quả thảm khốc hơn nhiều so với chiến dịch tấn công Iraq năm 2003, vốn đã làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng, khiến Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến tốn kém và dẫn đến sự trỗi dậy của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

"Xung đột với Iran không đơn thuần là sự tái diễn cuộc chiến với Iraq năm 2003. Hai nước có nhiều điểm khác biệt, chiến tranh với Tehran sẽ tồi tệ hơn rất nhiều. Tiềm lực Iran ngày nay khác xa Iraq cách đây 16 năm. Cách họ chiến đấu cũng không giống những xung đột với Mỹ hồi thập niên 1980", cây bút Adam Taylor của Washington Post nhận xét.

Global Fire Power (GFP), tổ chức có trụ sở tại Mỹ chuyên đánh giá sức mạnh quân sự các nước, cho biết Iran có dân số khoảng 83 triệu người và lực lượng vũ trang xếp hạng 14 thế giới. Tehran đang có 523.000 quân thường trực và 250.000 binh sĩ dự bị, so với dân số 25 triệu người và chưa đến 450.000 quân của Iraq khi Mỹ bắt đầu can thiệp quân sự.

Không quân Iran biên chế khoảng 509 máy bay, trong đó có 142 tiêm kích và 165 cường kích. Đây là nước duy nhất ngoài Mỹ sở hữu tiêm kích hạng nặng F-14A với khả năng đánh trúng mục tiêu từ cách 190 km, bên cạnh nhiều phi cơ Nga như tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-24. Tehran cũng biên chế phi đội máy bay không người lái (UAV) hùng hậu, trong đó một số mẫu có khả năng tàng hình được sao chép từ dòng RQ-170 Sentinel Mỹ.

Iran có diện tích 1.648.000 km vuông, lớn gần gấp 4 lần Iraq, cho phép nước này phân tán lực lượng tốt hơn. Việc Mỹ lật đổ chính quyền tổng thống Saddam Hussen cũng loại bỏ một đối thủ địa chính trị của Tehran, giúp nước này không ngừng gia tăng ảnh hưởng thông qua hiện diện quân sự ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen.

Nếu Mỹ tấn công Iran, cuộc chiến sẽ nhanh chóng lan ra khắp Trung Đông. Tehran có lực lượng ủy nhiệm khắp khu vực, cũng là đồng minh của nhiều nhóm vũ trang như Hezbollah ở Lebanon. Lực lượng này sẽ càng nguy hiểm nếu được Iran trang bị rocket, pháo và tên lửa dẫn đường.

Báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tháng 4 cho biết ít nhất 608 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của dân quân thân Iran trong giai đoạn 2003-2011.

Iran có chung đường biên giới với nhiều nước đồng minh đang cho quân Mỹ đồn trú như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Afghanistan. Phần lớn mục tiêu chiến lược của Arab Saudi, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Iran.

Tehran có quan hệ chặt chẽ với Moskva và Bắc Kinh, khiến giới chuyên gia không loại trừ khả năng hai cường quốc sẽ can thiệp nếu xung đột nổ ra. Đồng minh chủ chốt của Mỹ là Israel cũng sẽ bị kéo vào cuộc chiến khiến quy mô của nó lan rộng khắp Trung Đông.

Chiến tranh Mỹ - Iran cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh năng lượng, tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu do nó nhiều khả năng nổ ra quanh eo biển Hormuz.

Vị trí eo biển Hormuz. Đồ họa: NY Times.

40% lượng dầu mỏ thế giới được chuyên chở qua đây, các chuyến tàu hàng cũng phải đi qua lãnh hải Iran khi vượt eo biển Hormuz. Tehran từng nhiều lần đe dọa phong tỏa khu vực này khi căng thẳng với Washington leo thang. Một khi tuyến hàng hải này bị vô hiệu hóa, nguồn cung dầu cho thế giới sẽ sụt giảm mạnh và làm giá cả leo thang.

Quân đội Iran khó lòng đánh bại Mỹ trong chiến tranh. Tehran hiểu rõ điều này và mạnh tay đầu tư vào năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực(A2/AD) với mục đích gây tổn thất nặng nề cho Washington, buộc Mỹ suy nghĩ kỹ trước khi gây chiến.

Tên lửa Ghadir và Qader, các vũ khí diệt hạm hiện đại nhất của Tehran, có tầm bắn 330 km cùng khả năng ẩn mình và cơ động cao, nhằm tránh bị tiêu diệt trong đòn phủ đầu của Washington. Dù không thể đánh chìm tàu sân bay, các tên lửa diệt hạm Iran thừa sức "khóa chết" eo biển Hormuz và hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của Mỹ.

Bên cạnh đó, các tên lửa hành trình đối đất Soumar và tên lửa đạn đạo Shahab-3 có tầm bắn tới 2.500 km, đủ sức bao trùm toàn bộ Trung Đông và một phần châu Âu. Chúng hoàn toàn có thể được triển khai để hủy diệt nhiều căn cứ chủ chốt của Mỹ và đồng minh, gây thương vong lớn và ảnh hưởng tới chiến lược của Washington.

Những thiệt hại thảm khốc dường như là lý do khiến chính quyền Mỹ không sẵn lòng can thiệp quân sự mà vẫn theo đuổi giải pháp ngoại giao với Iran. "Tôi không muốn có chiến tranh, nó gây thiệt hại nền kinh tế và quan trọng nhất là khiến nhiều người thiệt mạng", Trump nhấn mạnh.Iran cũng có thể dùng lực lượng ủy nhiệm để tấn công lính Mỹ tại Iraq và Syria, gây nhiều hao tổn và buộc Mỹ dàn trải lực lượng trên nhiều mặt trận, thay vì chỉ tập trung vào quốc gia duy nhất như đợt tấn công Iraq năm 2003.

Duy Sơn (Theo Business Insider)

Nguồn: https://vnexpress.net/the-gioi/hau-qua-neu-chien-tranh-my-iran-bung-phat-3926880.html